Xây dựng thương hiệu là một công việc vô cùng quan trọng, khiến doanh nghiệp hao tâm tổn trí, đồng thời cũng đặt nhiều tâm huyết và kỳ vọng nhất. Tuy vậy, không phải lúc nào mọi việc cũng diễn ra suôn sẻ. Bài viết này sẽ chia sẻ những lỗi dễ mắc phải để mọi doanh nghiệp có thể kịp thời tránh và chấn chỉnh trong quá trình xây dựng thương hiệu của mình.

1. Nhận diện thương hiệu thiếu nhất quán
Sai lầm mà rất nhiều doanh nghiệp hay mắc phải là không tạo được sự nhất quán trong mọi hình ảnh, tinh thần, thông điệp của thương hiệu. Một công ty cần sử dụng cùng một tên, logo và tag line trong moi giao dịch trong và ngoài công ty. Tên của công ty ở ngoài biển hiệu cũng phải giống với tên ở trên website, hay trong danh thiếp của bạn. Phong cách giao dịch với khách hàng, dù qua điện thoại, email, website hay giao dịch trực tiếp đều phải nhất quán trong văn phong, lời nói. ….Chỉ khi có sự nhất quán mọi lúc, mọi nơi, bạn mới có thể để lại dấu ấn đối với khách hàng.

2. Hình ảnh nghèo nàn
Nếu bạn muốn khách hàng ấn tượng về thương hiệu, hãy luôn nhớ rằng hình ảnh quan trọng hơn nhiều lần lời nói. Sai lầm của nhiều thương hiệu là không tạo được hình ảnh, hoặc hình ảnh không nhất quán, thiếu ấn tượng đối với khách hàng. Hãy tham khảo các thương hiệu lớn, bạn sẽ thấy họ không bao giờ xem nhẹ việc sáng tạo nên những hình ảnh đặc trưng của thương hiệu và quảng bá rộng rãi những hình ảnh đó tới khách hàng.


Nhắc đến KFC, hình ảnh ông già tóc bạc đeo kính sẽ được khách hàng nhớ đến đầu tiên

3. Thiếu sự khác biệt
Một lỗi phổ biến khác của nhiều doanh nghiệp khi xây dựng thương hiệu là thiếu sự sáng tạo và khác biệt. Nếu bạn muốn nổi bật hơn các đối thủ cạnh tranh, đừng sử dụng những công thức chung chung, lỗi thời khi xây dựng logo, website hay bất kì yếu tố nhận diện thương hiệu nào. Điều này sẽ chỉ kéo bạn ngang hàng và chìm trong những doanh nghiệp cạnh tranh khác mà thôi.

4. Không tận dụng khách hàng thân thiết
Một trong những công cụ marketing hữu hiệu nhất chính là WOM (quảng cáo truyền miệng). Hãy hỏi ý kiến khách hàng hay đối tác về những chương trình quảng cáo hay chiến dịch marketing mới cũng như đánh giá của họ về điểm mạnh, điểm yếu của thương hiệu. Bạn cũng có thể xin ý kiến khách hàng để trích dẫn các nhận xét của họ trên brochure hay quảng cáo của doanh nghiệp.

Khách hàng sẽ là đại sứ thương hiệu hiệu quả nếu họ hài lòng về thương hiệu

5. Sử dụng ảnh chụp
Những thương hiệu sử dụng ảnh chụp trên thiết kế logo của mình thường rất khó, nếu không muốn nói là không thể sử dụng một cách hiệu quả và chuyên nghiệp. Tiêu chuẩn cho những thiết kế thương hiệu thành công là không sử dụng bất kì hình thức ảnh chụp nào, đặc biệt là ảnh có độ phân giải thấp. Hãy nhìn vào những thương hiệu hàng đầu thế giới như Nike, Apple, Chanel…, bạn sẽ thấy rõ điều đó. Vì vậy, thay vì việc đau đầu chọn ảnh chụp để lồng vào trong logo, bạn hãy chọn một thiết kế đồ họa chuyên nghiệp cho thương hiệu của mình.

6. Phức tạp hóa thương hiệu
Các doanh nghiệp đang trong quá trình xây dựng thương hiệu có thể lấy Coca-cola như một ví dụ điển hình cho nguyên tắc “đơn giản là sự tinh tế tối thượng”. Thương hiệu nước giải khát hàng đầu này đã có hơn 100 năm lịch sử hình thành và phát triển, nhưng so với hình ảnh logo với dòng chữ Coca-cola đơn giản từ những ngày đầu thành lập, logo hiện nay của hãng hầu như không có nhiều sự khác biệt. Hãy luôn nhớ rằng, hình ảnh càng đơn giản, khách hàng sẽ càng dễ nhớ đến bạn hơn.

Qua nhiều thời kỳ, logo đơn giản của Coca-cola không có nhiều sự thay đổi đáng kể

7. Hình ảnh truyền thông thiếu nhất quán
Hãy tưởng tượng nếu thương hiệu của bạn trông rất bắt mắt trên brochure hay báo giấy, nhưng trên website lại được trình bày mờ nhạt, thậm chí lộn xộn. Khách hàng cảm nhận được sự khác biệt trên những phương tiện truyền thông khác nhau và sẽ cảm thấy bị “rối”. Một thương hiệu mạnh cần truyền tải được những thông điệp giống nhau với chất lượng không đổi trên mọi phương tiện truyền thông.

8. Slogan thiếu chân thực
Nếu bạn đã đi siêu thị Big C không dưới 3 lần và đều thấy giá cả các mặt hàng đắt đỏ hơn so với các hệ thống cửa hàng hay siêu thị khác, chắc hẳn bạn sẽ không còn tin tưởng vào slogan “Giá rẻ cho mọi nhà” của họ. Nếu như những câu slogan, tag line không thể hiện đúng thực tế của thương hiệu, khách hàng sẽ không tin tưởng bạn, và những nỗ lực marketing sau này sẽ càng trở nên khó khăn hơn.

Big C tạo được niềm tin của khách hàng vì thực hiện đúng slogan “Giá rẻ cho mọi nhà”

9. Không biết bắt đầu xây dựng thương hiệu từ đâu
Một điều không mới nhưng lại thường bị các doanh nghiệp bỏ qua, đó là bạn không tạo ra một thương hiệu, bạn chỉ xây dựng thương hiệu từ những giá trị cốt lõi của doanh nghiệp. Chỉ có bạn mới hiểu rõ hơn ai hết thế mạnh của mình là gì, và bạn muốn truyền tải những thông điệp gì tới khách hàng. Chính bạn và nhân viên của công ty mới là những đại sứ tâm huyết và hiệu quả nhất cho thương hiệu, đưa thương hiệu đến với mọi khách hàng.